Trang chủ Đời sốngHọc Đường Gặp John Nosta – “KOL” số 1 về sức khỏe số của thế giới: “Điện thoại và máy tính không làm bạn yếu đi, tốt hay xấu là do cách sử dụng!”

Gặp John Nosta – “KOL” số 1 về sức khỏe số của thế giới: “Điện thoại và máy tính không làm bạn yếu đi, tốt hay xấu là do cách sử dụng!”

bởi AI Poster

Theo ông John Nosta, công nghệ và sức khỏe có mối quan hệ hết sức mật thiết.

Trải qua thời kỳ dịch bệnh, dường như chúng ta ai cũng khác đi. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất là quan điểm của người ta về cuộc sống cũng như tầm quan trọng của sức khỏe. Càng ngày, mọi người, đặc biệt là những người trẻ càng quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe, cách nâng cao thể chất…

Dẫu vậy, muốn là một chuyện, còn để thay đổi những thói quen cố hữu hay tư duy sức khỏe vẫn tồn tại bấy lâu nay không phải việc một sớm một chiều có thể làm được. Là một chuyên gia đầu ngành về sức khỏe nói chung và lĩnh vực công nghệ sức khỏe nói riêng, ông John Nosta – KOL số một về sức khỏe số trên thế giới hiện nay hiểu hơn ai hết các thắc mắc cũng như vấn đề này.

Gặp John Nosta - KOL số 1 về sức khỏe số của thế giới: Điện thoại và máy tính không làm bạn yếu đi, tốt hay xấu là do cách sử dụng! - Ảnh 1.

Ông John Nosta – KOL số 1 trong lĩnh vực sức khỏe số của thế giới

Được biết, ông John Nosta là nhà tiên phong trong lĩnh vực sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu. Năm 2019, ông còn nằm trong danh sách 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong công nghệ sức khỏe do Global Data bình chọn. Tên tuổi của ông gắn liền với những từ khóa đại diện cho sự đổi mới và tiên phong. Đặc biệt, ngày 17/12 sắp tới, ông cũng là một trong số rất nhiều nhà khoa học kiệt xuất thế giới sẽ tham gia vào phiên Diễn thuyết truyền cảm hứng với chủ đề “Điểm bùng phát của nhân loại” trong Chuỗi sự kiện của Giải thưởng VinFuture 2022.

Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ “ngôi sao sức khỏe” này nhé!

Gặp John Nosta – “KOL” số 1 về sức khỏe số của thế giới: “Điện thoại và máy tính không làm bạn yếu đi, tốt hay xấu là do cách sử dụng!”

JOHN NOSTA

Quốc tịch Mỹ

  • Tốt nghiệp ĐH Boston
  • Từng nghiên cứu sinh lý học tim mạch trong phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Eugene Braunwald, ĐH Y Harvard
  • Giám đốc Sáng tạo, Giám đốc Chiến lược và Chủ tịch Đơn vị của Ogilvy – Cơ quan truyền thông chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới
  • Thành viên Ban cố vấn sức khỏe Tập đoàn Google
  • Nhà sáng lập và Chủ tịch của NostaLab – Tổ chức tư vấn sức khỏe kỹ thuật số thúc đẩy sự đổi mới thông qua tư duy chiến lược và sáng tạo
  • Thành viên sáng lập của danh sách các chuyên gia về công nghệ y tế của WHO

Chào ông John Nosta, theo ông, mối liên kết giữa công nghệ và sức khỏe trong thời đại ngày nay là như nào? Có điều khác biệt gì so với trước đây không?

Y tế và công nghệ vốn có mối quan hệ rất vững chắc và cần thiết. Theo đó thì những bác sĩ, y tá cần xử lý thông tin, từ những dữ liệu như Fitbit cho đến các khía cạnh phức tạp của bộ gen. Khả năng con người xử lý chúng theo các phương thức sơ khai là gần như không thể vì khối lượng dữ liệu và công việc là quá lớn. Vì vậy, chúng ta cần công nghệ để hiểu và quản lý dữ liệu. Những dữ liệu đó trở thành kiến thức, trở thành trí tuệ. Phía trước chúng ta hoàn toàn là vai trò của công nghệ, giúp con người xử lý những công việc nặng liên quan đến nhận thức.

Các sản phẩm công nghệ hiện đại như smartphone, máy tính, Internet… giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của xã hội nhưng đổi lại, chúng cũng gây ra tác động xấu lên sức khoẻ của con người, VD như khái niệm “thế hệ cúi đầu”. Theo ông, làm cách nào để chúng ta có thể cân bằng được 2 yếu tố này?

Đây là một câu hỏi rất thú vị. Theo tôi, sự đổi mới sẽ dẫn đến cả những mặt tối.

Đơn cử như việc tôi có thể dùng dao làm bếp để đâm bạn, nhưng đó không phải lỗi của con dao. Những mặt tối là do chúng ta gây ra. Tôi tin rằng lửa là công nghệ đầu tiên con người phát minh ra. Lửa cho phép chúng ta nấu ăn, giúp chúng ta thắp sáng, sưởi ấm. Nhưng lửa cũng có thể sử dụng để làm vũ khí. Như vậy là nó có cả mặt lợi và mặt hại. Ngày nay, tính hai mặt đó cũng không thay đổi. Một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn nhất về tài sản chính là hỏa hoạn. Nhưng lửa rõ ràng là thứ không thể thiếu đối với cuộc sống chúng ta, từ công nghiệp đến mọi thứ.

Những công nghệ ngày nay như máy bay, xe tự lái cũng tồn tại hai mặt đối lập tương tự. Trí tuệ nhân tạo có lẽ là sáng tạo tuyệt vời, mạnh mẽ nhất nhưng cũng đáng sợ nhất. Tôi không đổ lỗi cho công nghệ. Cách chúng ta điều khiển, quản lý công nghệ mới quyết định mặt tốt xấu của chúng.

Gặp John Nosta - KOL số 1 về sức khỏe số của thế giới: Điện thoại và máy tính không làm bạn yếu đi, tốt hay xấu là do cách sử dụng! - Ảnh 3.

Nói theo cách khác, công nghệ có thể giúp chúng ta đảm bảo sự cân bằng này?

Như tôi đã nói, sự sáng tạo đổi mới không phải là một đường thẳng. Nó xuất hiện và được duy trì song sự phát triển của công nghệ là không đồng đều. Stephen Jay Gould – Giáo sư nổi tiếng của Harvard đã nói về sự tiến hóa trong trạng thái cân bằng đứt quãng như thế này: “Không có gì xảy ra, không có gì xảy ra, không có gì xảy ra và đột nhiên có gì đó xảy ra”.

Ví dụ như vụ nổ Bigbang khiến tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất và tiêu diệt toàn bộ khủng long. Hoặc như dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện. Y tế cộng đồng trước đó không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào quá lớn, nhưng đột nhiên Covid-19 xảy ra, và từ đó xuất hiện sự thay đổi. Tôi nghĩ rằng sự tiến hóa và phát triển của công nghệ sẽ không xảy ra từ từ. Chúng sẽ cần những sự kiện quan trọng, thậm chí là thảm họa, để làm đòn bẩy.

Ông nghĩ chúng ta cần làm gì trước sự chi phối của công nghệ?

Tôi không nghĩ chúng ta bị chi phối bởi công nghệ. Mà chính chúng ta đang cho phép bản thân bị chi phối bởi công nghệ. Nó cũng giống như thức ăn và béo phì vậy. Béo phì là một vấn đề trên toàn thế giới, nhưng khi chúng ta ăn rồi mập lên, chúng ta có đổ lỗi cho thức ăn không?

Tôi nghĩ việc đổ lỗi cho công nghệ là một điều khá thú vị. Công nghệ sẽ trở thành đối tác của loài người đấy chứ! Liên kết giữa loài người và công nghệ, cho dù trong bài tập ở trường hay trong y học, đều sẽ là nền tảng quan trọng cho con đường phát triển.

Gặp John Nosta - KOL số 1 về sức khỏe số của thế giới: Điện thoại và máy tính không làm bạn yếu đi, tốt hay xấu là do cách sử dụng! - Ảnh 4.

Có ý kiến cho rằng công nghệ là thủ phạm chính khiến sức khoẻ tâm thần của người hiện đại càng ngày càng yếu đi. Ông nghĩ sao về điều này?

Câu hỏi này rất thú vị bởi nó dường như đã từng được đặt ra đối với điện thoại và truyền hình. Tôi nghĩ rằng tác động của công nghệ đối với sức khỏe tinh thần có lẽ mạnh mẽ hơn những lĩnh vực khác. Điều đó cần phải được hiểu rõ nhưng tôi cho rằng chúng ta không phải sợ. Chúng ta phải hiểu rằng dù sao thì công nghệ cũng đã xuất hiện và chúng ta không thể đảo ngược lại quá trình đó.

Vậy nó phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận đúng không?

Tôi nghĩ rằng có những khía cạnh của công nghệ mà chúng ta sẽ cần phải có hướng dẫn sử dụng. Chúng ta cũng cần phải hạn chế việc sử dụng đối với trẻ em hoặc trong những lĩnh vực như y học hoặc khoa học xã hội. Chúng ta có nhiều điều để khám phá, nhưng chúng xảy ra quá nhanh. Tốc độ của sự đổi mới đang đi nhanh hơn khả năng tiếp thu của con người.

Nhiều người cho rằng còn trẻ là còn khỏe và còn trẻ thì nên lao động, làm việc hết sức để sau này không phải hối hận. Kết quả là khi họ nhận ra sức khỏe của mình đang bị tàn phá nghiêm trọng thì mọi chuyện đã muộn. Là một chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe, ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ hay không?

Tôi tin rằng việc tìm kiếm thông tin về sức khỏe và bản thân sẽ trở nên phổ biến và trở thành một vấn đề mới. Khi dân số già đi, việc chăm sóc sức khỏe chủ động sẽ trở nên cần thiết. Nói cách khác, việc sử dụng một ứng dụng giúp kiểm tra nhịp tim sẽ giúp chúng ta tìm được phương án xử trí thích hợp.

Điều chúng ta chứng kiến sẽ là sự thay đổi từ chủ động sang thụ động. Những thông tin thụ động như nhịp tim, chất lượng giấc ngủ hay mức độ căng thẳng sẽ được thu thập từ mọi thứ xung quanh. Những yếu tố thụ động đó sẽ giúp sức khỏe trở thành một phần cuộc sống. Chúng ta sẽ bắt đầu thiết lập những hệ thống kiểm tra sức khỏe giống như hệ thống kiểm tra đèn ô tô. Về cơ bản, chúng ta ít có khả năng chống lại việc áp dụng công nghệ, bởi việc tích hợp sẽ giúp cuộc sống dễ dàng hơn.

Gặp John Nosta - KOL số 1 về sức khỏe số của thế giới: Điện thoại và máy tính không làm bạn yếu đi, tốt hay xấu là do cách sử dụng! - Ảnh 5.

Quay trở lại với những danh xưng “người tiên phong” của ông, với ông, sự đổi mới đóng vai trò thế nào trong y học nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung?

Đổi mới trong y học là một trong những khía cạnh chứng minh sự biến đổi lớn nhất, đặc biệt là trong công nghệ. Trí tuệ nhân tạo chẩn đoán hình ảnh sẽ trở thành cơ bản trong việc chúng ta hành nghề y. Nó thay đổi hoàn toàn hầu hết khía cạnh về sức khỏe và bệnh tật.

Nghe nói ông sẽ đến Việt Nam và tham dự một sự kiện thuộc khuôn khổ Giải thưởng VinFuture. Ông nghĩ thế nào về chủ đề của VinFuture năm nay – “Hồi sinh và Tái thiết” cũng như sứ mệnh của VinFuture?

Khi nói về sự biến đổi sau đại dịch, tôi nghĩ đến một mùa xuân. Sau đại dịch đã có những phản ứng trái chiều đối với sự thay đổi công nghệ. Chẩn đoán y tế từ xa trở nên phổ biến hơn ở một số khu vực và mọi người tận hưởng những lợi ích của nó mang lại. Nhưng bây giờ, mọi người đang muốn gặp bác sĩ trong đời thực. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến một mức độ mới của việc công nghệ tham gia vào đời sống, nhưng nó vẫn gặp phải nhiều bước tiến và lùi. Chúng ta phải hiểu rằng sự biến đổi đôi khi là hai bước tiến, một bước lùi. Nó vẫn là tiến bộ, nhưng tiến bộ sẽ bao gồm cả việc nhìn lại quá khứ.

Với vai trò chủ tịch và lãnh đạo của phong trào sức khỏe số, ông có muốn gửi thông điệp gì tới Việt Nam hay không?

Thông điệp đầu tiên chính là chúng ta đang sống giữa một thời điểm tuyệt vời của lịch sử loài người. Chúng ta rất may mắn khi là một phần của thời khắc lịch sử. Thứ hai, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội đối với sự phát triển cá nhân, văn hóa và xã hội. Thứ ba, Việt Nam là một phần của thực tại công nghệ khi chúng ta không còn bị ngăn cách hàng nghìn dặm. Thay vào đó, chúng ta chỉ bị ngăn cách bởi một nút bấm. Chỉ một cái nhấp chuột sẽ giúp chúng ta tương tác với nhau. Điều tôi vui mừng nhất là có thể xây dựng những mối quan hệ trường tồn. Sự trường tồn đó được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng công nghệ.

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!

Ảnh: Tổng hợp

Quỹ VinFuture, được đồng sáng lập bởi Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup và phu nhân là Bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, với sứ mệnh tôn vinh sức mạnh của Khoa học Công nghệ đột phá giúp tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên trái đất.

VinFuture đã và đang kết nối những bộ óc kiệt xuất và những tên tuổi hàng đầu trong giới khoa học – công nghệ trên toàn thế giới để cùng nhau mở ra tiềm năng vô hạn của trí tuệ toàn cầu. Quỹ cũng mong muốn tạo cơ hội kết nối đa chiều giữa các nhà khoa học và giới doanh nhân, góp phần giải quyết những thách thức thực tế trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển, để đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống một cách hiệu quả và bền vững.

Chủ đề của Giải thưởng VinFuture 2022 là “Hồi sinh và Tái thiết” (Reviving and Reshaping). Với chủ đề này, Giải thưởng hy vọng tìm kiếm và vinh danh các công trình khoa học – công nghệ kiệt xuất có tác động tích cực trong và sau đại dịch giúp phát triển bền vững đời sống của hàng triệu người trên khắp hành tinh. Trong đó, cơ cấu giải thưởng vẫn bao gồm 1 Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD cùng 3 Giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tối ngày 20/12/2022 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Bài viết liên quan