Sáng 29/5, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 và đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Các đại biểu đã khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi luật để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Thị trường mua bán nợ – “Mảnh ghép” còn thiếu
Quốc hội bàn về giải pháp thúc đẩy xử lý nợ xấu
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề xuất khuyến khích phát triển thị trường mua bán nợ, một “mảnh ghép” còn thiếu trong hệ sinh thái xử lý nợ xấu hiện nay. Việc bổ sung điều khoản điều chỉnh trực tiếp hoạt động mua bán nợ là rất cần thiết để thúc đẩy hình thành quỹ đầu tư vào nợ xấu và đơn giản hóa thủ tục cho các thương vụ mua bán quy mô lớn.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, việc khuyến khích phát triển thị trường mua bán nợ sẽ giúp thúc đẩy xử lý nợ xấu. Đồng thời, đại biểu đề xuất cần quy định rõ hiệu lực pháp lý của việc chuyển nhượng ngay khi tổ chức tín dụng hoàn tất các thủ tục theo luật.
Nâng cao hiệu quả xử lý nợ
Dự thảo luật lần này bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cho biết quy định này có ưu điểm cho phép Ngân hàng Nhà nước quyết định nhanh chóng trong các tình huống rủi ro hệ thống hoặc khủng hoảng thanh khoản.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông
Đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị bổ sung yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo định kỳ với Chính phủ, Quốc hội về các khoản cho vay đặc biệt. Đồng thời, quy định rõ ràng tiêu chí đối tượng được hưởng vay đặc biệt để tránh bị lạm dụng.
Các đại biểu cũng góp ý kiến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và tăng cường minh bạch trong hoạt động tín dụng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo sẽ giúp quyền lợi của ngân hàng được đảm bảo, từ đó khuyến khích ngân hàng có thêm động lực để cho vay.