Chiều ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo. Hội thảo tập trung vào việc thảo luận và góp ý cho các nội dung liên quan đến chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Luật Nhà giáo được ban hành đã đáp ứng được nhiều mong mỏi của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Luật này sẽ giúp phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo. Quá trình xây dựng nghị định, thông tư đòi hỏi những người xây dựng các văn bản hướng dẫn vẫn phải tiếp cận trên cơ sở đầy đủ căn cứ về pháp lý, chính trị, khoa học, thực tiễn với tinh thần trách nhiệm cao.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn phải đáp ứng được quan điểm cao nhất là phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước.

Ông Jonathan Wallace Baker – trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những cải cách giáo dục toàn diện của Việt Nam. UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai theo hướng thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự phối hợp ở mọi cấp, thúc đẩy bình đẳng giới và phúc lợi nhà giáo.

Để đảm bảo thi hành Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư. Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nhấn mạnh việc ban hành Luật Nhà giáo là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục, mà còn có ý nghĩa lớn đối với cả dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo đặc biệt kỳ vọng việc xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Nhà giáo cần bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với 3 dự thảo luật đang được sửa đổi (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo. Việc này nhằm đảm bảo các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh mới.
