Ngay lúc này, nơi chúng ta có thể bắt gặp nhiều cổ động viên đến từ nhiều nơi đa dạng nhất, nói nhiều thứ ngôn ngữ nhất không phải những sân vận động ở Qatar, mà là ở dưới lòng đất.
Đoàn tàu 36 tỷ đô của Qatar
Vào tối thứ Năm ở Doha, một đoàn tàu điện ngầm đông đúc đang hướng về phía tây, hướng tới Sân vận động Quốc tế Khalifa để xem trận Nhật Bản vs Tây Ban Nha. Ở một góc nhỏ tàu điện, người ta có thể thấy một khung cảnh như sau: 1 phụ nữ Philippines mặc áo của đội tuyển Tây Ban Nha và đội mũ bóng chày; 2 phụ nữ Nhật Bản đeo khẩu trang nói chuyện với 2 người bạn Nepal và cả 2 đều mặc quần áo tuyển Nhật Bản; 3 người Mỹ gốc Hàn đang tìm vé; 1 gia đình người Mexico ủng hộ Tây Ban Nha; 3 cổ động viên Ả Rập Xê Út ồn ào và chuẩn bị bước vào cửa tàu là những người Argentina mặc áo in hình huyền thoại Diego Maradona từ nhiều thập kỷ trước.
Đó là một sự kết hợp rất khó xảy ra trên thế giới, nhưng không phải là một sự kết hợp bất thường trong thành phố suốt vài tuần qua. Tàu điện ngầm Doha giống như là địa điểm cuối cùng World Cup này được tổ chức. Nếu bạn muốn dành thời gian nói chuyện với mọi người từ khắp nơi trên thế giới, nếu bạn muốn tìm hiểu về những hy vọng và nỗi sợ hãi của họ, nếu bạn muốn cười, hát và la hét với những con người có chung sở thích với mình, hãy đến đây – con tàu điện ngầm giá 36 tỷ đô của Qatar.
Tàu điện ngầm Doha có ba tuyến, gồm 37 nhà ga dọc theo 75km đường ray. Nó mới được khởi công xây dựng vào 12 năm trước, ngay sau khi Qatar được xác định sẽ là nước chủ nhà World Cup 2022.
Đây là một dự án khổng lồ có sự tham gia của các nhà quy hoạch Qatar, nhà điều hành đường sắt Đức, nhà sản xuất xe lửa Nhật Bản, kỹ thuật và xây dựng của Mỹ, hệ thống công nghệ của Pháp và công ty bảo hiểm của Anh. Dự án có chi phí khoảng 36 tỷ USD và được bàn giao sau 9 năm kể từ khi chiếc máy khoan hầm đầu tiên kích hoạt. Nó mở cửa vào năm 2019, đúng thời điểm diễn ra Club World Cup và có khoảng 60 trạm nữa được lên kế hoạch bổ sung vào năm 2026.
Phòng chờ chính tại nhà ga Msheireb, nơi hội tụ cả ba tuyến của hệ thống tàu điện ngầm Doha
Hầu hết hành khách đều cho biết trải nghiệm đi tàu cũng ấn tượng không kém. Tàu điện ngầm chạy với tốc độ siêu nhanh nhưng vẫn êm, luôn có chuyến liên tục. Vì vậy mà hàng triệu cổ động viên World Cup có thể di chuyển dễ dàng, thuận tiện để xem các trận bóng.
Trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, bất kỳ ai có thẻ Hayya (thẻ đặc biệt cấp cho du khách quốc tế đến xem World Cup) đều được đi lại miễn phí bằng tàu điện ngầm.
Người hâm mộ Ả Rập Xê Út xem một trận đấu trên điện thoại của họ khi ngồi trên tàu
Nơi cổ động viên cả thế giới tụ hội
Nếu trên sân vận động, các cổ động viên sẽ chủ yếu gồm 3 nhóm: người đến từ 2 đội đang thi đấu và khán giả Qatar thì ở các ga tàu rất khác, tất cả mọi người – cổ động viên đến từ 32 đội tuyển tham dự và cả những fan bóng đá mọi quốc tịch khác nữa đều ở đó.
Cổ động viên thoải mái cổ vũ tưng bừng trong tàu điện
Tất cả mọi người đều sẵn sàng và thỏa sức tiệc tùng ở bên trong tàu, ở lối vào, ở hành lang, ở trên thang cuốn. Họ có thể là người đang chuẩn bị đến hoặc về sau khi xem một trận đấu, có thể chỉ đang trên đường đi ăn, đi tham quan nhưng tất cả đều có một điểm chung: họ yêu bóng đá. Không khó để chúng ta bắt gặp nhóm cổ động viên Canada vẫy cờ lá phong khổng lồ hát điệp khúc “Olé Olé Olé” hay cảnh sát lưu động tại ga tàu điện ngầm Thành phố Giáo dục hướng dẫn người hâm mộ Ghana ca hát và nhảy múa, trên đường đến xem đội của họ thi đấu với Hàn Quốc.
Dưới lòng đất Qatar có cả một “sân vận động” náo nhiệt khổng lồ
Đây là một không gian dành cho tất cả, nơi mọi người trên khắp thế giới tụ tập thành những sự kết hợp bất ngờ. Mọi người sẽ trò chuyện, sẽ kết bạn, sẽ ca hát, la hét cùng nhau, bất chấp khác biệt về ngôn ngữ và sắc tộc, bất chấp việc hai đội tuyển họ ủng hộ đang đối đầu. Thế nên tàu điện ngầm của Qatar chính là “sân vận động” cuối cùng không được liệt kê của World Cup 2022.
Nguồn: The Guardian