Trong những năm tháng hành nghề luật sư, là người bảo vệ quyền lợi cho nhiều trẻ em bị xâm hại, luật sư Lê Hồng Hiển – Giám đốc Công ty luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã nhiều lần rơi nước mắt vì những tình tiết thương tâm.
Nước mắt của luật sư phía sau lá đơn tố giác tội phạm
Hồi tháng 3/2022, luật sư Lê Hồng Hiển vô cùng sốc khi tiếp nhận ca của em bé sinh năm 2011 ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) bị người tình của mẹ hiếp dâm nhiều lần từ khi bé 9 tuổi đến nay. Sau đó, chính người mẹ lại cùng nhân tình đến gặp luật sư, van xin anh tha thứ cho kẻ thủ ác.
Luật sư thuật lại, anh được người mẹ tên T. gọi điện thoại, trình bày việc phát hiện người tình đã nhiều lần hiếp dâm con gái ruột, tha thiết mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé M. Luật sư Hiển cùng 3 cộng sự đã di chuyển tới TP. Hạ Long, Quảng Ninh ngay trong đêm để gặp gỡ chị T. và con gái.
Luật sư Lê Hồng Hiển
Sau khi trao đổi, nhóm luật sư đã nắm rõ được diễn biến sự việc: Khoảng năm 2019, chị T. có quen với Nguyễn Văn H. (SN 1977). Hai người đều đã trải qua một lần ly hôn, T. đang nuôi cháu M. H. thường xuyên qua lại nhà, ăn và ngủ cùng hai mẹ con. Nguyễn Văn H. được T. và gia đình nhận xét là hiền lành, biết điều và đặc biệt rất yêu chiều cháu M. Nhiều lần vì bận việc, T. còn nhờ người tình đưa đón cháu M. đi học.
Đến đầu tháng 3/2022, trong một lần cầm điện thoại của người tình, T. nhìn thấy clip ghi cảnh quan hệ tình dục của H. và nhận ra H. đã quan hệ với con gái mình. H. sau đó đã thừa nhận toàn bộ sự việc và viết đơn tường trình lại tường tận hành vi bỉ ổi của mình với cháu M.
“T. gửi cho tôi những bản tường trình tự khai, tự nhận tội của H. khai ngày 7, 8, 9/3, trình bày những sự việc diễn biến như thế nào, video clip bằng chứng. Trong tường trình (tự khai) của H. có nội dung sẽ đưa cháu M. đi giám định, nếu cháu chưa mất trinh sẽ bồi thường 500 triệu, nếu cháu đã mất trinh sẽ bồi thường 1 tỷ.
Cháu M. cũng chia sẻ với tôi là bị H. đã cưỡng ép xâm hại khoảng 20 lần. Sau mỗi lần như vậy, H. lại dọa nạt bắt cháu M. không được kể với ai. Thậm chí, trong khi mẹ đang rửa bát, giặt đồ, H. cũng tranh thủ sàm sỡ, dâm ô hoặc giao cấu với cháu bé”, luật sư Hiển xót xa kể lại.
Nhận thấy tội ác của H. vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là khi H. thực hiện hành vi, cháu M. chưa đủ 9 tuổi. Luật sư Hiển tư vấn, hướng dẫn chị T. làm đơn tố giác H. với cơ quan chức năng. Nhưng thật bất ngờ, vài ngày sau khi làm việc với luật sự Hiển, chị T. lại tha thiết xin luật sư bỏ qua cho người tình của mình.
(Ảnh minh họa)
Luật sư Hiển thuật lại: “Chị T. gọi cho tôi khóc lóc, nói rằng:‘Em không làm đơn tố H. nữa vì H. cũng ăn năn rồi, cũng qua nhà gặp bố mẹ em xin lỗi, cũng lên chùa sám hối rồi. Nhìn H. thế thôi chứ yếu đuối lắm, bệnh tật đầy người, nếu anh không tha mà H. đi tù thì chắc chỉ sống được 1 – 2 năm là chết thôi’.
Tôi đã hết lời phân tích cho chị T. hiểu rằng đây là một tội ác nghiêm trọng, cần phải bị trừng trị đích đáng, cháu M. cần được đòi lại công bằng cho những đau đớn mà cháu phải gánh chịu. Thế nhưng T. liên tục gọi điện, nhắn tin cho tôi, thậm chí cùng H. lên gặp tôi để trình bày, xin tôi không tố giác. Mà T. lại người tha thiết xin nhiều hơn cả H.”.
Luật sư Hiển tiếp nhận thông tin đầu tháng 3/2022, và đến tháng 6, anh quyết định làm đơn tố giác tội phạm. “Từ tháng 3 đến tháng 6 là giai đoạn đấu tranh tâm lý căng thẳng của tôi với T. Trong mười mấy năm làm nghề, tôi chưa từng gặp sự vụ nào như thế này. Đặt giả thuyết H. có bồi thường cho cháu bé như lời hứa, hoặc có thể hơn thế nữa, nhưng việc một người mẹ không tố giác kẻ làm hại con mình, thực sự khó chấp nhận, đằng này lại còn tha thiết xin.
Thời gian kéo dài, tôi vẫn hy vọng T. sẽ làm đơn, vì khi mẹ cháu bé đứng ra tố giác thì không bị dư luận chỉ trích, hai là tránh được rủi ro liên đới hình sự tội không tố giác tội phạm. Tuy nhiên sau 2 tháng, ngày 19/6 tôi quyết định gửi đơn. Trước khi chính thức gửi đơn tố giác tôi cũng thông báo, cho T. cơ hội cuối cùng nhưng người mẹ ấy vẫn không ý kiến, buộc lòng tôi phải đưa đơn. Sau đó CA TP Hạ Long tiến hành xác minh thông tin, bắt giữ nghi phạm”.
Phía sau lá đơn tố giác tội phạm của mình, luật sư Lê Hồng Hiển đã phải nghẹn lời vì “đây là tội ác không thể dung thứ”. Anh đã tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng và đề nghị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn H. về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” với tư cách công dân, bằng trăn trở cho sự an toàn và muốn bảo vệ cháu M.
Nếu gia đình im lặng trước tội ác, nạn nhân bị xâm hại sẽ chịu thêm tổn thương.
Luật sư Lê Hồng Hiển cũng là luật sư bảo vệ quyền lợi cho bé Đ.N.A (bé 3 tuổi tử vong do người tình của mẹ đóng đinh vào đầu). Trong suốt quá trình làm việc với các bên liên quan, trong đó có chị L., mẹ bé N.A., luật sư nhận định, L. có thể không vô can.
Anh lập luận: “L. là một người mẹ, hàng ngày ở bên cạnh đứa con và người tình, liên tiếp chứng kiến con gái của mình rơi vào hoàn cảnh ‘thập tử nhất sinh’ nhiều lần mà không hề nghi ngờ hay tìm hiểu lý do là vô cùng phi lý. Không những vậy, L. có biểu hiện quanh co với những người xung quanh sau những lần cháu A. bị nhập viện vì bị bạo hành. Ngay cả khi ra tòa, L. cũng vẫn thừa nhận mình yêu Huyên (thủ phạm) và vẫn gọi Huyên bằng ‘anh ấy’”.
Luật sư Lê Hồng Hiển làm việc với ông nội bé Đ.N.A
Từ những vụ án xâm hại trẻ em mình tiếp nhận, xót xa hơn là thái độ nhân nhượng với kẻ ác của gia đình nạn nhân, luật sư Hiển cho rằng, thỏa hiệp hay nhân nhượng với cái ác là điều không được phép diễn ra, nhất là khi nạn nhân là trẻ em.
Trong các câu chuyện, tình huống trên, khó có thể nói việc người thân của các nạn nhân vô can. Câu chuyện có thể sẽ khác đi, vụ án có thể sẽ không còn đớn đau, day dứt như thế nếu như các nạn nhân nhận được đủ sự quan tâm từ chính những người thân của các bé…
Những vụ án mà luật sư Lê Hồng Hiển nhận có thể là hy hữu, nhưng trong trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại, gia đình là thành trì đầu tiên. Khó có thể nói trẻ em đã có môi trường sống an toàn tuyệt đối, khi mà theo Bộ Công an, trong 2 năm qua, đã phát hiện 3.748 số vụ xâm hại trẻ em, với 4.354 đối tượng, xâm hại gần 4.000 trẻ em. Tổng đài quốc gia về trẻ em (Tổng đài 111), đã tiếp nhận 355.000 cuộc gọi tư vấn, trao đổi về bảo vệ quyền trẻ em như trẻ em bị bạo lực, bóc lột, nghi mua bán…
Khi đạo đức xã hội, đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện giảm sút thì vai trò của gia đình, giáo dục trong gia đình đối với việc hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và việc bảo vệ trẻ em – chủ nhân tương lai của đất nước trước những nguy cơ xâm hại, ảnh hưởng xấu từ môi trường xã hội càng trở nên cấp thiết. Bảo vệ trẻ em cũng chính là bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, quốc gia vì mục đích phát triển con người trong thời đại hiện nay.
(Ảnh minh họa)
Trên thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của họ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục, phát triển trẻ là của nhà trường. Bản thân cha mẹ chưa dành thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại, thiếu trách nhiệm với trẻ… Nhiều phụ huynh chưa hiểu đầy đủ về xâm hại trẻ em, thực trạng của vấn nạn này và những hậu quả mà nó gây ra cho trẻ, cho gia đình và xã hội.
Mặt khác, nhiều khảo sát, nghiên cứu cho thấy nhận thức cha mẹ về Luật Trẻ em còn khá mờ nhạt, một bộ phận cha mẹ chưa nắm được cụ thể về các quyền này của trẻ, dù các kênh thông tin cha mẹ tiếp cận là khá đa dạng từ truyền thông, tivi, báo chí và facebook và còn ít người chủ động tìm hiểu về quy định của Luật Trẻ em.
Nhận thức của cha mẹ về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ cho con em được quyền sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, về quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để trẻ không bị xâm hại và trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em là một vấn đề quan trọng.
Bên cạnh đó, để bảo vệ cho trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại, các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ những kỹ năng đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ. Gia đình, trước hết là bố mẹ cần nhận thức đúng đắn và cung cấp kiến thức, kỹ năng dành cho trẻ có thể tự bảo vệ bản thân. Những kỹ năng này có thể đơn giản nhưng cũng hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa nguy hiểm khi cần thiết.
Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự) là tên tuổi gắn liền với nhiều vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, tiêu biểu như vụ án bé Đ.N.A (ở Thạch Thất) bị người tình của mẹ sát hại (bảo vệ quyền lợi cho bé Đ.N.A). Anh cũng tham gia nhiều vụ án hình sự, dân sự gai góc như: Vụ án nữ sinh giao gà xảy ra tại Điện Biên (bảo vệ quyền và lợi ích cho nữ sinh Cao Mỹ Duyên); vụ án “Đường Nhuệ” ở Thái Bình phạm tội cố ý gây thương tích (Bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là anh Mai Thế Duy)…